Trường tiểu học An Sinh tổ chức cho học sinh tham quan, học tập, trải nghiệm tại Đền An Sinh, Thái Miếu nhà Trần trên địa bàn Thành phố Đông Triều

Thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018; Kế hoạch chương trình giáo dục nhà trường năm học 2024 – 2025, chiều ngày 16/01/2025 trường Tiểu học An Sinh tổ chức chuyến tham quan, trải nghiệm, học tập thực tế về lịch sử địa phương cho các em học sinh tại Khu di tích đền An Sinh, Thái Miếu nhà Trần.


        Hành trình bắt đầu với điểm đến là Khu di tích đền An Sinh. Đền An Sinh là ngôi điện thờ 8 vị tiên đế triều Trần và An sinh vương Trần Liễu. Đền được xây dựng trên một địa thế đẹp có non bình, thủy tụ, là trung tâm của cả khu di tích nhà Trần tại Đông Triều. Trải qua nhiểu thăng trầm đến nay Đền được tu bổ, tôn tạo trên khu vực nền điện cũ gồm: Tòa bái đường, tòa trung đường (Thờ An Sinh vương Trần Liễu, Thiên đạo quốc mẫu phu nhân, Đức thánh trần Hưng Đạo) Hậu cung đặt tượng thờ 8 vị vua: 1) Trần Thái Tông, 2) Trần Thánh Tông, 3) Trần Anh Tông, 4) Trần Minh Tông, 5) Trần Hiến Tông, 6) Trần Dụ Tông, 7) Trần Nghệ Tông và 8) Giản Định Đế (Trần Ngỗi). Hai bên là nhà tả vu (Trưng bày di sản văn hóa nhà trần) Hữu vu (Nhà Khách), ngũ môn. Trong khuôn viên có trồng 8 cây vạn tuế tượng trưng cho sự vĩnh hằng của 8 vị vua Trần thờ tự tại Đền, 14 cây hoa đại tượng trưng 14 vị vua Trần, 175 cây hoa sữa tượng trưng cho 175 năm trị vì Triều đại Nhà Trần.  

       Tiếp theo các em đến thăm Thái miếu nhà Trần! Đây được coi là kinh đô thứ 2 của một triều đại. Thái miếu nhà Trần toạ lạc trên đồi Đình, thôn Trại Lốc, xã An Sinh. Thái miếu đã được tôn tạo theo 3 khu vực: Khu vực Nghi Môn, khu vực bảo tồn Thái miếu từ thời Trần và khu vực Thái miếu mới. Kiến trúc chính của Thái miếu gồm: Bái đường, Ống muống và Hậu Cung. Thái miếu nhà Trần ở Hậu cung là nơi đặt thần vị của 4 vị tổ nhà trần và 14 vị vua Trần. Lễ hội Thái miếu hàng năm được tổ chức từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 1 âm lịch.

        Trong buổi tham quan, học sinh đã tham gia lễ dâng hương. Dưới sự hướng dẫn của hướng dẫn viên, học sinh lắng nghe những câu chuyện lịch sử ý nghĩa, những câu chuyện truyền thuyết hấp dẫn.

          Qua chuyến trải nghiệm lần này, các em học sinh đã tiếp thu được những kiến thức bổ ích, lý thú, góp vào hành trang kiến thức của mình về di tích lịch sử văn hóa địa phương, về truyền thống đấu tranh kiên cường của cha ông. Đồng thời, chương trình trải nghiệm đã đạt được mục đích và yêu cầu giáo dục đề ra đó là đẩy mạnh hoạt động đổi mới dạy học theo hướng tiếp cận và phát triển năng lực học sinh. Tăng cường hoạt động dạy học trải nghiệm thực tế nhằm giáo dục lòng yêu nước và tự hào dân tộc, ý thức công dân cho học sinh đối với Tổ quốc. Hình thành và phát triển những phẩm chất, tư tưởng, ý chí, tình cảm, giá trị, kỹ năng sống và những năng lực chung cần có ở con người trong xã hội hiện đại. Giúp học sinh tự tin, có ước mơ, sống có trách nhiệm, hướng tới tương lai, xây dựng gia đình hạnh phúc, quê hương ngày càng giàu đẹp. Góp phần triển khai thực hiện phong trào thi đua "Xây dựng trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc" do ngành đề ra.

Một số hình ảnh chuyến trải nghiệm:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                                            CTV: Nguyễn Thị Hưng


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu

Các thông tin khác:
Mới nhất